Tin Tức & Sự Kiện

Kinh tế 2 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19

03/03/2022 | 11:44

Tháng 2 là tháng cả nước đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cũng là tháng bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 có nhiều điểm sáng, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng không ít, đặc biệt là còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường từ diễn biến dịch bệnh, lạm phát, tình hình căng thẳng ở Ukraine…

Nhiều dự án FDI tăng quy mô, mở rộng đầu tư


Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (tháng 2/2021 giảm 8,3%). Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% (cùng kỳ năm trước tăng 6,8%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1% (cùng kỳ năm trước tăng 9,4%).

Các ngành thương mại và dịch vụ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng, đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch đã có những dấu hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm 2021.
 
kinh te 2 thang dau nam con nhieu kho khan do dich covid 19
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2022 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,4%. Vận chuyển hành khách tháng 2/2022 tăng 13,1% và luân chuyển hành khách tăng 10% so với tháng trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022 đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9%.

Ước tính tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 42,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt 8,8% so với kế hoạch, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; thu hút vốn FDI tiếp tục phục hồi, trong đó vốn đăng ký điều chỉnh tăng cao tới 123,8% cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam và mở rộng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện.

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
 

Nhập siêu 937 triệu USD trong 2 tháng đầu năm


Tuy nhiên, bức tranh kinh tế tháng 2 cũng cho thấy thực tế còn nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày trong cộng đồng tăng ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội. Giá thức ăn chăn nuôi, giá phân bón và nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt giá xăng, giá dầu liên tục tăng đã gây áp lực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2022 của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như TP. Hồ Chí Minh tăng 2,1%; Bắc Ninh tăng 0,1%; Tiền Giang giảm 0,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 2,6%; Hà Tĩnh giảm 11,5%.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động của các ngành thương mại và dịch vụ trong 2 tháng đầu năm 2022 tiếp tục giảm, hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 1,8%; doanh thu dịch vụ lữ hành giảm 10,9%; dịch vụ khác giảm 5,9%... Vận chuyển hành khách giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển hành khách giảm 27,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 6,9% và luân chuyển hàng hóa tăng 9,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa trong 2 tháng đầu năm 2022 nhập siêu 937 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng giảm hoặc tăng thấp như: Điện thoại và linh kiện giảm 15,1%; rau quả giảm 12,3%; chè giảm 10,8%; hạt điều giảm 2,4%...

Trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (42,6 nghìn doanh nghiệp) thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (44,9 nghìn doanh nghiệp), cho thấy một bộ phận doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh chưa thể phục hồi như trước, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
 

Nguy cơ lạm phát từ giá năng lượng


Nhận định về triển vọng thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, với việc tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới.

Đối với tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, các chuyên gia nhận định có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, song trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước có thể chịu tác động của lạm phát khi giá dầu lên quá cao từ cuộc chiến kéo dài.

Theo ông Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán SSI Research, giá xăng dầu tăng mạnh sẽ làm giảm hiệu quả của những gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ đang thực hiện trong năm nay. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa khác, từ đó sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, còn thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng đáng kể, khiến cho quá trình phục hồi kinh tế bị chậm lại.

Mặc dù vậy, ở mặt tích cực, giá dầu tăng giúp thu ngân sách và các khoản thu thuế từ xăng dầu tăng. Nhiều công ty ngành dầu khí cũng hưởng lợi từ giá dầu thô tăng.

kinh te 2 thang dau nam con nhieu kho khan do dich covid 19
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Gia Phat

 
Hotline Hotline